Chùa Bà Đanh là chùa nào, ở đâu?

Chắc hẳn đa số người Việt Nam nghe đến tên ngôi chùa này qua câu thành ngữ “Vắng như chùa Bà Đanh”. Hễ muốn nhấn mạnh về sự vắng vẻ của một địa điểm nào đó, người ta thường sử dụng câu này.

Chùa Bà Đanh nằm tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam

Chùa Bà Đanh ở đâu?

Ngôi chùa cổ còn có tên là Bảo Sơn tự, nằm tại thôn Đanh Xá, xã Ngọc Sơn, huyện Kim Bảng, Hà Nam, cách thành phố Phủ Lý gần 7km. Nó được xem là một trong những ngôi chùa đẹp và cổ kính nhất Hà Nam nói riêng và của miền Bắc nói chung.

Ngôi chùa nằm trên khu đất rộng khoảng 10ha ở nơi sơn thủy hữu tình, ba mặt có dòng sông Đáy bao quanh. Khuôn viên chùa có nhiều công trình kiến trúc nghệ thuật với gần 40 gian nhà lớn nhỏ. Chùa được cho là xây dựng từ thế kỷ thứ 7, ban đầu rất nhỏ. Đến thời vua Lê Thánh Tông (thế kỷ 15), chùa Bà Đanh được mở rộng và xây dựng to đẹp như hiện nay. Chùa thờ Pháp Vũ – một trong Tứ Pháp (Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện – các vị Phật có nguồn gốc từ các nữ thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam gồm Mây, Mưa, Sấm, Chớp).

Ngoài tượng chư Phật và chư Bồ tát, chùa Bà Đanh còn có tượng Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Thái Thượng Lão Quân và đặc biệt là tượng Bà Chúa Đanh được tạc theo tư thế toạ thiền trên chiếc ngai đen bóng, khuôn mặt đẹp, hiền từ và gần gũi. Bà Chúa Đanh là hiện thân của Pháp Vũ, vị thần mưa.

Năm 1994, chùa Bà Đanh được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể Thao – Du Lịch) cấp bằng Di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2007, UBND tỉnh Hà Nam phối hợp với Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch đầu tư gần 20 tỷ đồng để tôn tạo và nâng cấp chùa.

Vì sao nói Vắng như chùa Bà Đanh?

Người dân địa phương giải thích về tên gọi chùa như sau, ngôi chùa này thờ vị nữ thần linh thiêng trông coi việc điều khiển mưa gió, giúp dân trừ lũ lụt, đem lại mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu (vị thần này chính là Pháp Vũ như đã nói ở trên). Chùa được xây dựng ở làng Đanh nên được gọi là “chùa Đức Bà làng Đanh”, sau gọi tắt lại như bây giờ.

Về câu thành ngữ, cách giải thích được nhiều người chấp nhận nhất là: Do chùa Bà Đanh nằm ở vị trí xa dân cư, ba mặt là sông, lối đi duy nhất dẫn vào chùa lại qua rừng rậm, có thú dữ nên ít ai dám vào. Cách đến chùa an toàn là chèo thuyền qua sông Đáy. Do đi lại bất tiện nên chùa vắng vẻ, ít khách hành hương.

Ngày nay, ngôi chùa không còn vắng mà là một điểm du lịch nổi tiếng. Chùa Bà Đanh cùng với đền Trúc, Ngũ Động Thi Sơn, khu du lịch sinh thái Tam Chúc, Bát cảnh Tiên hợp thành một tua du lịch kết hợp cả đường thuỷ và đường bộ rất hấp dẫn du khách.

Michio Travel

Bài mới

Leave a Comment